Bàn
về vai trò của việc học tập thông qua trải nghiệm, Albert Einstein- cha đẻ của
thuyết tương đối đã nói “Learning is experience. Everything else is
just information.” Tạm dịch là: “Học tập là trải nghiệm. Những thứ khác chỉ
là thông tin.” Quả thực, việc tổ chức dạy và học thông qua các hoạt
động trải nghiệm thực tế đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chương trình giáo dục của
mỗi nhà trường nói riêng và chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, học sinh được định hướng, tạo điều
kiện để quan sát, suy nghĩ và tham gia các hoạt động thực tiễn, qua đó tổ chức
khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các em tích cực nghiên cứu, tìm ra
những giải pháp mới, sáng tạo những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong
nhà trường từ đó hình thành ý thức, phẩm chất, kĩ năng sống và các năng lực đặc
thù (Năng lực hoạt động và tổ chức hoạt động; Năng lực tổ chức và quản lý cuộc
sống; Năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân; Năng lực định hướng nghề
nghiệp; Năng lực khám phá và sáng tạo).
Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại trường THPT Chuyên
tỉnh Lào Cai được thực hiện với rất nhiều những hình thức đa dạng, phong phú và
linh hoạt: hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, tổ chức diễn đàn, sân khấu
tương tác, tham quan dã ngoại, hội thi, cuộc thi, tổ chức sự kiện, hoạt động
giao lưu, hoạt động chiến dịch và hoạt động nhân đạo.
Hoạt động giao lưu, tuyên truyền của lớp 10 chuyên Anh
Để tổ chức các hoạt động trải nghiệm
thực tế hiệu quả, cần phải tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
1.
Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tổng thể và chi
tiết
Để một chương trình giáo dục có thể
đạt được hiệu quả giáo dục tối đa thì việc xây dựng một chương trình dài hơi,
tổng thể cho từng năm học, từng kỳ học là vô cùng quan trọng. Kế hoạch tổ chức
các hoạt động trải nghiệm thực tế bao gồm: các hoạt động trải nghiệm thực tế
của từng lớp, từng bộ môn, câu lạc bộ và thời gian thực hiện. Việc xây dựng kế
hoạch trải nghiệm thực tế đưa ra một cái nhìn bao quát chung về số lượng các
hoạt động trải nghiệm thực tế trong từng kỳ học, từng năm học của mỗi lớp, mỗi
bộ môn. Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế
cũng được đa dạng hóa, tránh việc lặp đi lặp lại một số hình thức tổ chức, dễ
gây nhàm chán. Đồng thời, mỗi bộ môn, mỗi lớp, mỗi CLB đều có một lịch tổ chức
các hoạt động trải nghiệm thực tế cụ thể để thầy cô và các em học sinh có thể
chủ động trong việc chuẩn bị tổ chức và tham gia các hoạt động. Với một kế
hoạch tổ chức tổng thể, chúng tôi có thể đảm bảo các mục tiêu giáo dục sẽ được
thực hiện đồng bộ và xuyên suốt trong cả năm học.
2.
Phát huy tính chủ động và tích cực của học sinh
Như đã nói ở trên, việc tổ chức các
hoạt động trải nghiệm thực tế là nhằm giúp học sinh có cơ hội để trải nghiệm và
học tập từ chính những trải nghiệm đó. Nếu như trước đây các hoạt động trong
nhà trường, các câu lạc bộ đa phần đều do các thầy cô giáo phụ trách thì bây
giờ các em học sinh được tham gia đóng góp ý tưởng, lên kế hoạch và trực tiếp
tổ chức các hoạt động với sự cố vấn và giám sát của các thầy cô. Ví dụ, khi tổ
chức hoạt động “Thử thách 12 giờ” cho học sinh khối 10 hàng năm, các thành viên
trong CLB tiếng Anh CLC Link sẽ tập hợp, lên ý tưởng, chọn chủ đề của sự kiện,
lập kế hoạch chi tiết, dự trù kinh phí và phân công nhiệm vụ cho từng nhóm
thành viên, rồi duyệt kế hoạch với các thầy cô cô vấn. Sau khi được chỉnh sửa, kế
hoạch đó sẽ được duyệt với các thầy cô trong ban lãnh đạo nhà trường. Những sự
kiện ban đầu có quy mô nhỏ và có thể vẫn có những sai sót nhưng sau mỗi sự kiện
các em sẽ dần dần rút ra các kinh nghiệm tổ chức các hoạt động để tổ chức các
hoạt động ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đến việc để
các em học sinh tự đào tạo cho nhau để có các lớp học sinh kế cận. Những anh
chị khóa trên sẽ nhận trách nhiệm truyền đạt và hướng dẫn và chia sẻ những kinh
nghiệm tổ chức hoạt động cho các em khóa sau.
Tặng quà tại Bệnh viện Đa khao tỉnh của CLB Vì cộng đồng
3.
Đảm bảo an toàn cho học sinh là ưu tiên hàng đầu
Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm
thực tế trong nhà trường, hàng năm trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai còn tổ chức
rất nhiều các hoạt động trải nghiệm thực tế ngoài nhà trường. Trong một năm
học, mỗi lớp học sẽ có 2 chuyến đi trải nghiệm ngoài nhà trường, một chuyến đi
đến một huyện trong tỉnh kết hợp với hoạt động tuyên truyền tuyển sinh, và một
chuyến đi học tập và giao lưu với một trường chuyên ngoài tỉnh. Việc tổ chức
các hoạt động trải nghiệm thực tế đều phải đảm bảo tính an toàn cho các em học
sinh. Chính vì vậy, nhà trường, thầy cô và phụ huynh phải có sự phối hợp thường
xuyên và chặt chẽ. Khi chuẩn bị tổ chức các hoạt động TNST cho học sinh, các
thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ có một cuộc họp với phụ huynh của lớp. Trong đó, thầy
cô và phụ huynh sẽ bàn bạc và thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho các
em học sinh. Trong kế hoạch trải nghiệm của mỗi lớp đều phải nêu rõ, cụ thể
nhiệm vụ của các thầy cô giáo tham gia cùng hoạt động trải nghiệm thực tế, danh
sách, số điện thoại của các bác phụ huynh của lớp cùng tham gia, các phương
tiện di chuyển, các thông tin chi tiết liên quan đến tài xế lái xe và lịch
trình chi tiết của hoạt động. Với việc lập kế hoạch chi tiết và cụ thể, chúng
tôi có thể hạn chế tối đa những vấn đề có thể phát sinh và đảm bảo an toàn cho
các em học sinh.
GIao lưu văn nghệ tại Bắc Hà của lớp 10 Sinh
4. Lồng ghép linh hoạt nhiều hình thức tổ
chức trong mỗi hoạt động trải nghiệm thực tế
Việc tổ chức các hoạt động trải
nghiệm thực tế bao gồm rất nhiều những hình thức tổ chức khác nhau. Chính vì
vậy, mỗi một hoạt động đều có thể lồng
ghép nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Ví dụ, khi tổ chức hoạt động tham quan
dã ngoại tại các huyện trong tỉnh, các em học sinh không chỉ được tham quan,
học tập tìm hiểu văn hóa địa phương, mà còn được tham gia các hoạt động giao
lưu, tổ chức các trò chơi, tuyên truyền tuyển sinh tại các trường THCS tại các
huyện. Việc lồng ghép các hình thức tổ chức này giúp các em học sinh được tham
gia vào nhiều vai trò, nhiều hoạt động
để các em có thể hình thành và phát triển nhiều những kỹ năng khác nhau.
5.
Tổ chức cho học sinh học tập thông qua trải nghiệm
Các chuyến đi trải nghiệm thực tế
của các lớp của trường THPT tỉnh Lào Cai đều do phụ huynh, thầy cô và các em
học sinh lên ý tưởng và lập kế hoạch tổ chức thực hiện kết hợp với nội dung
trải nghiệm sáng tạo của các bộ môn. Trước mỗi chuyến đi, các em học sinh sẽ
được chia thành các nhóm, giao các nhiệm vụ tìm hiểu về địa phương mình chuẩn
bị đến thăm thông qua các thông tin trên Internet và sách, báo. Trong mỗi
chuyến đi, mỗi nhóm đều được giao nhiệm vụ thu thập thông tin, hình ảnh để làm
báo cáo. Sau khi trở về, các nhóm sẽ hoàn thiện báo cáo và trình bày và rút
kinh nghiệm. Các hình thức báo cáo có thể là dưới hình thức một bài thuyết
trình, video, tạp chí hay là một triển lãm tranh ảnh. Như vậy, các em học sinh
có thể học tập thông qua chính những trải nghiệm thực tế và có thể so sánh với
những kiến thức các em đã học qua trải nghiệm với những kiến thức đã học qua
sách báo và internet.
Như vậy, để tổ chức các hoạt động trải
nghiệm thực tế trong nhà trường một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hiện một
cách linh hoạt, sáng tạo và an toàn với một kế hoạch tổng thể và chi tiết, phát
huy tính chủ động và tích cực của các em học sinh, đảm bảo các em được trực
tiếp tham gia vào các hoạt động ở những vai trò đa dạng để các em có thể học
tập từ những trải nghiệm thực tế của chính mình và phát triển những năng lực
cần thiết.
Nguyễn Vân Khánh