Ngày 30 tết cổ truyền, nơi nơi đều rộn ràng cờ và hoa,
những nụ cười tươi tắn, phơi phới tâm
thế tống cựu nghênh tân... Năm nào cũng có tết, nhưng mỗi tết luôn để lại những
dấu ấn riêng, những kí ức không phai trong cuộc đời mỗi người. Với những người
xa quê, xa nước, họ như được đứng ở một nơi rất xa mà hướng tết cổ truyền; như ở
hiện tại để hoài niệm về những cái tết đã đi qua của những năm đã cũ.
“Vui
nhất là những ngày giáp tết, khi ta tạm xa những công việc thường nhật, mà cuốn
mình vào một cái gì đó bận rộn rất Tết. Người ta cho qua đi những chuyện cũ, những
nặng lòng trong năm cũ để đẹp đẽ, tinh khôi đón chào một năm mới. Cũng giống
như xếp dọn nhà cửa chuẩn bị đón tết, ta cũng thu xếp lại lòng mình cho gọn
gàng, để dành ra những chỗ trống cho điều mới mẻ. Ta cùng người thân trong bữa
tất niên, chọn những thức tươi ngon để dâng lên tổ tiên ngày tết... Đó là cái
tinh thần, tình thân của người Việt”.
Nguyễn Duy Tùng ( bên phải), cựu học sinh chuyên Lí (khóa 2008 – 2011),
Trường kinh doanh BI Na – uy.
Những chia sẻ của Nguyễn Duy Tùng –
một cựu học sinh chuyên Lí – cũng chính là những hoài niệm về tết cổ truyền Việt
Nam của một du học sinh. “Đối với du học sinh, những cảm giác này bị
bỏ lại. Khi những cảm xúc rất tết ấy phải len lỏi vào những hoạt động thường
ngày. Chúng tôi vẫn đi làm, đi học, vẫn sáng sáng lội qua tuyết rơi đến giảng
đường; thậm chí vẫn đi làm đến nửa đêm về sáng. Nhưng không vì thế mà chúng tôi
đặt xuống cái đặc quyền của người Việt là được đón tết theo cách của người Việt.
Thật may, chúng tôi vẫn tìm thấy bưởi, chuối xanh để bày mâm ngũ quả, vẫn thấy ở
hàng hoa những cành đào tuy nhỏ. Các du học sinh cùng nấu nướng bữa cơm tất
niên, cùng bày biện hoa trái, cùng chia sẻ phong tục tết ba miền bắc, trung,
nam. Duy chỉ có nỗi buồn xa gia đình, người thân là day dứt”.
“Cái
cần nhất chính là những người Việt mang hồn Việt, chỉ cần còn chất Việt chảy
trong máu mình, thì đâu đâu cũng vẫn là Tết”.
Với Nguyễn Công Khang –
cựu học sinh chuyên Lí (khóa 2012 – 2015), hiện tại đang là sinh viên năm 3
khoa Cơ – Điện tử, trường Đại học công nghệ Nagoya Nhật Bản; năm nay là năm đầu
tiên Khang ăn tết trên đất Nhật. Cảm xúc của những ngày này ở Khang chỉ gói gọn
trong từ “nhớ nhà”. “Với người Việt, tết đang đến gần, còn ở Nhật chỉ là những ngày mình thường, trẻ con đi học người lớn đi làm. Mình đi thi
cuối kỳ. Mọi người ai cũng có cuộc sống riêng, ai cũng bị cuốn theo vòng xoáy của
một xã hội công nghiệp. Chẳng có ai để ý đến một người ngoại quốc đang bồi hồi
cảm giác nhớ quê cả. Mình nghĩ như thế mỗi lần tàu điện vào ga hay rời ga cuốn
đi như làn gió”.
Nguyễn
Công Khang, sinh viên Đại học công nghệ Nagoya, Nhật Bản.
“Ở đây vẫn còn nhiều anh chị em người Việt. Tối về mở
facebook ra y như rằng nhắn tin rộn ràng. Toàn nói chuyện tết thôi. Người đi học
người đi làm, công việc bề bộn ngổn ngang nhưng vẫn cố sắp xếp để sum vầy tụ họp.
Ông Táo ông Công, bữa cuối năm, mấy anh em đều quây quần ở nhà ai đấy …. Cũng
có chút ấm cúng. Có chút giống như đang ở Việt Nam. Lùng đâu mua được cái bánh
chưng tí chả lụa. Thế là có tết.
Đây mới là năm đầu tiên mình đón tết bên này. Năm nay chắc
là không được xem Táo Quân qua tivi mà phải xem qua màn hình laptop.”
Trịnh Ngọc Thúy – cựu học
sinh chuyên Toán (khóa 2010 – 2013), hiện đang theo học chương trình thạc sỹ
ngành quản lý phát triển bền vững (Sustainable Development Management) tại Kleve,
một thành phố nhỏ của Đức giáp Hà Lan. Ở Kleve nơi Thúy sống, khi những đợt tuyết
đầu tiên rơi cũng là lúc mọi người ở nhà đang rục rịch chuẩn bị đón tết. Gọi điện
về thấy bố mẹ khoe cả nhà đang ở siêu thị sắm đồ tết, hay đang ở chợ hoa chọn
cành đào cây quất, khi thì bố hớn hở khoe chậu hoa lan mới... Mọi thứ diễn ra vẫn
y như mọi năm, chỉ khác là năm nay Thúy ngắm những cảnh tượng thân quen đó qua
màn hình điện thoại.
“Mình đã sang chỗ chị gái (Trịnh Ngọc Mai – cựu học sinh chuyên Toán
khóa 2007 – 2010, du học sinh tại Đức) và đang nghe một khúc nhạc tết, đó là thứ
duy nhất khiến cho mình cảm nhận được không khí năm mới vào lúc này. Du học
sinh tầm này, người thì bù đầu ôn thi, người thì bù đầu đi làm, người thì tranh
thủ đi du lịch trước khi bắt đầu học kỳ mới, người thì về Việt Nam ăn tết với
gia đình. Hôm nay mình và chị có ghé qua chợ Châu Á để mua đồ nấu ăn trong mấy
ngày tết, toàn những nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đậu xanh, nấm hương,
mộc nhĩ. Họ còn bán cả vàng hương và lá chuối, mà hai chị em thủ thỉ không biết
kiếm đâu ra cái nồi gang to như của bà nội ở nhà để luộc bánh chưng, mà kiếm được
nồi chắc ông cụ quản lý khu nhà cũng không cho bắc bếp củi ra sân đun 12 tiếng,
nên thôi vậy (mà quên mất là nếu ông cụ có cho thì hai chị em cũng không biết
gói). Bên này mình chưa thấy hoa đào, nhưng lâu lâu trước đó chị đã mua sẵn giấy
và cành giả về để hai chị em tự làm một cành đào con con trang trí trong phòng,
chị bảo bên này nhiều du học sinh cũng tự “trồng” đào như vậy”.
Trịnh
Ngọc Thúy – cựu học sinh chuyên Toán (khóa 2010 – 2013)
Ở Pháp, những du học sinh
là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai cũng thế. Họ cùng các bạn học tập
trung tại Paris, gói bánh chưng chuẩn bị đón tết.
Ngày 29 tết cổ
truyền, 2019.
Và bánh chưng được luộc bằng
bếp từ
Vũ Quốc Hưng, cựu học sinh
chuyên Toán, khóa 2010 – 2013, hiện đang theo học chương trình kỹ sư – thạc sĩ
tại thành phố Nancy, Pháp. “Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, mọi công việc
và học tập vẫn diễn ra một cách bình thường đối với một sinh viên đang sống và
học tập tại Pháp như mình. Năm nay vui hơn năm ngoái là lớp đại học của mình đã
quyết định họp tại Paris. Mình sẽ gọi điện về nhà trước và sau giao thừa. Nếu
may mắn hơn, mình sẽ về xem Táo Quân, chuẩn bị một ít đồ ăn Việt và xem một
kênh nào đó của VTV để cảm nhận được không khí Tết tại Việt Nam”.
Ở
đâu đó, còn rất nhiều cựu học sinh THPT Chuyên Lào Cai đang đón tết xa nhà.
Không có nỗi chộn rộn, tất bật chuẩn bị tết; không có sum vầy, đoàn tụ với gia
đình; và những ngày này, chắc mênh mang nỗi niềm nhớ tết...
Phạm
Thị Minh Huệ