image banner
Chuyên đề Nguyễn Bỉnh Khiêm
Chuyên đề: NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491- 1585)
A. Mục tiêu cần đạt:
1. Kiến thức:
- Nắm được những nét chính về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuộc đời và sự nghiệp văn học.
 - Hiểu được một số bài thơ tiêu biểu của ông.
 2. Kĩ năng:
 - Có kĩ năng phân tích nhóm tác phẩm cùng một tác giả.
3. Thái độ:
 - Bồi dưỡng tình cảm yêu mến văn học.
 - Trân trọng tài năng, con người Nguyễn Bỉnh Khiêm
 B. Phương pháp, phương tiện dạy học:
1. Phương tiện dạy học:
 - SGK, tài liệu tham khảo, giáo án.
- Chuẩn bị bài của học sinh.
2. Phương pháp dạy học:
- Thuyết trình, thảo luận nhóm.
 C. Tiến trình tổ chức dạy học:
1. Ổn định tổ chức lớp.
 2. Vào bài mới.
I. Cuộc đời:
1. Thời đại: Đầu thế kỷ XVI nhà Lê sơ lâm vào khủng hoảng suy yếu.
 - Các thế lực phong kiến nổi dậy tranh chấp quyền lực
- Mạnh nhất là thế lực Mạc Đăng Dung. - Phong trào đấu tranh của nhân dân bùng nổ ở nhiều nơi.
 - Năm 1527 Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê lập triều Mạc.
 - 1533 Nguyễn Kim “Phù Lê diệt Mạc” cùng với cựu thần nhà Lê kéo vào Thanh Hóa lập ra Nam Triều.
 - Hai tập đoàn phong kiến đối lập nhau gây chiến tranh liên miên suốt 50 năm tại vùng hạ lưu sông Mã, sông Hồng; đến năm 1592 Nam Triều chiếm Thăng Long nhà Mạc rút lên Cao bằng, chiến tranh chấm dứt,đất nước thống nhất.
 2. Quê hương, gia đình:
* Quê hương:
- Sinh ra tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
 - Quê ngoại: Tiên Lãng, Hải Phòng - 2 quê gần nhau, cách 1 con sông (sông Hàn) có thể nhìn thấy nhau: Tên người đời suy tôn NBK (Tuyết giang phu tử)
 * Gia đình: xuất thân từ một gia đình trí thức phong kiến
- Cha: là 1 nho sĩ bình dân tên là Văn Định, hiệu là Cù Xuyên tiên sinh, nổi tiếng hay chữ nhưng chưa hiển đạt trên đường khoa cử.
- Mẹ: con gái thượng thư Nhữ Văn Lan, am hiểu kinh sử, giỏi văn chương, tinh thông lý số.
→Ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và con người NBK, sau này NBK được mẹ đưa về nhà ông bà ngoại nuôi dưỡng nên chịu ảnh hưởng từ ông ngoại và mẹ rất nhiều. Mẹ ông thường đem chính văn, kinh truyện và thơ quốc âm ra dạy cho NBK khi còn nhỏ. 3. Cuộc đời, bản chất con người: * Một cuộc đời từng trải: - NBK sống gần suốt thế kỉ XVI, chứng kiến mọi biến cố trong XHVN trong giai đoạn lịch sử “khắp nơi chỗ nào cũng máu chảy thành sông, xương chất như núi”. Cuộc đời ông trải qua nhiều sự kiện lịch sử, nhiều địa vị sang hèn, cao thấp khác nhau. - Bất mãn với thời cuộc, NBK sống như một ẩn sĩ “uống rượu, ngâm thơ, ngao du ở bên sông…” ngay từ những năm tuổi đời còn trẻ. Năm 45 tuổi, ông mới chịu đi thi dưới thời vua Mạc Đăng Doanh (Họ Mạc vốn cùng quê với NBK. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê làm vua được 3 năm thì nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Muốn củng cố uy tín của triều đại mới, nhà Mạc cần có sự ủng hộ của sĩ phu, nhất là những sĩ phu có danh vọng. Năm 1528, sau khi thay nhà Lê hai năm, nhà Mạc đã mở ngay khoa khi để hòng thu phục nhân tài. NBK là 1 trong những nho sĩ mà nhà Mạc cần tranh thủ, vì ông không cố chấp như các di thần của nhà Lê, lại là người sớm nổi tiếng. Hơn nữa, sau những năm hỗn chiến giữa các tập đoàn phong kiến, khi nhà Mạc thay thế nhà Lê, NBK đã nhất thời kì vọng ở triều đại mới). Đỗ trạng nguyên nhưng ông chỉ làm quan 8 năm sau đó dâng sớ xin chém 18 lộng thần nhưng không được, ông xin về trí sĩ tại quê nhà, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. - Gần hết cuộc đời, NBK sống tại quê hương. Đây là điều kiện tốt để NBK có dịp gần gũi và tiếp xúc nhiều với cuộc sống của nhân dân, nhờ đó vốn hiểu biết của ông càng thêm phong phú, sâu sắc về đời sống lam lũ, vất vả, về nếp sống chất phác, giản dị cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân. →NBK phản ánh cuộc sống ở nhiều phương diện, nhiều khía cạnh khác nhau trong các sáng tác của mình. * Một cuộc đời thanh cao: - NBK được đánh giá là “vàng mười” trong cảnh đời đen bạc của XHPKVN thế kỉ XVI. - NBK mang khát vọng ra giúp đời cứu nước nhưng khi không thực hiện được, ông lánh đục về trong bảo toàn danh tiết và chí khí. - Trở về quê nhà, ông sống cuộc đời thanh bạch, giản dị. Các triều đại phong kiến Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn đến hỏi mưu kế ông đều khuyên và chỉ bảo lời hay lẽ thiệt. Mục đích của ông là tìm cách hòa hoãn những xung đột, tạm thời giảm bớt những đau khổ cho nhân dân. →NBK từng viết: “Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ” (Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ) là lời tự hỏi, tự trả lời và tự khẳng định mình của NBK. * Một cuộc đời mang nặng mối “tiên ưu”: - Cuộc đời của NBK là cuộc đời mang nặng mối tiên ưu, muốn được đem những hiểu biết của mình ra giúp đời cứu nước. Ông đi thi, dâng sớ xin chém 18 lộng thần, thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc. - Về ở ẩn, NBK dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân trên bến Tuyết Giang, xây chùa, mở trường dạy học. NBK đào tạo nhân tài: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ… - Khi tuổi đã cao, sức đã yếu, ông vẫn còn mong mỏi được đem tài đức của mình ra giúp dân, cứu đời. Khi về trí sĩ, NBK tuy sống ở am Bạch Vân nhưng thường được mời vào triều bàn luận chính sự và tham gia việc quân. (ông từng giúp nhà Mạc quy phục được Nguyễn Quyện- vốn là trọng thần nhà Mạc đầu hàng nhà Lê trở về với nhà Mạc; giúp nhà Mạc có những kế sách giúp nước tạm yên ổn trước sức tấn công của Nam triều). Mãi đến năm ngoài 70 tuổi ông mới về hẳn. - Chế độ phong kiến khủng hoảng, không có đường lập công, ông chọn con đường lập ngôn với những câu thơ tuyên truyền đạo đức, có nhiều câu là “sấm truyền”. →Cuộc đời của NBK là 1 cuộc đời ham hành động. II. Sự nghiệp văn học 1. Khái quát: - Về chữ Hán: Bạch Vân am thi tập (khoảng 1000 bài nhưng nay chỉ còn khoảng 2/3), Trung Tân quán bi kí, Thạch khánh kí, một số bài văn tế. - Về chữ Nôm: Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Trình Quốc công Bạch Vân thi tập) gồm 170 bài thơ. Thơ Nôm NBK làm theo thể Đường luật và Đường luật xen lục ngôn, thơ không có đề mục cho từng bài và cho từng môn loại. - Ngoài ra trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu sấm Trạng Trình viết theo thể lục bát như Trình quốc công sấm kí, Trình tiên sinh quốc ngữ. 2. Tập Bạch Vân quốc ngữ thi tập: 2.1. Nội dung: a. BVQNTT thể hiện chủ đề triết lí, giáo huấn: Đây là chủ đề lớn, tạo nên vẻ độc đáo riêng của BVQNTT và cũng là vẻ độc đáo của thơ NBK nói chung. Chủ đề triết lí là kết quả chung của quan niệm “thi dĩ ngôn chí” đồng thời là kết quả riêng của thơ Trạng Trình- 1 người tinh thông triết học. * Chủ đề triết lí - NBK là người nổi tiếng tinh thông triết học, lại sống trong thời buổi loạn li, chứng kiến những xáo trộn trong cuộc sống con người nên sự quan tâm đặc biệt đến thời vận của đất nước cũng như kiếp sống của con người là tất yếu. - Quan niệm vũ trụ và nhân sinh trong tác phẩm của NBK một mặt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão – Trang và Phật giáo, một mặt bắt nguồn từ Kinh Dịch và Lý học. Mặt khác, vì ẩn dật nơi thôn dã, tiếp xúc với nhân dân, ít nhiều NBK cũng tiếp thu được triết lý thực tiễn và kinh nghiệm thực tiễn của nhân dân. NBK luôn luôn muốn tìm hiểu sự vật và hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Đây là mảng đề tài tương đối phong phú trong thơ ông. Mỗi sự vật là 1 đề tài trong 1 bài thơ, mỗi bài thơ là 1 sự nhận thức thế giới. - Khi triết lí tự nhiên, tác giả nêu lên quy luật tương sinh tương khắc (quy luật mâu thuẫn), NBK bước đầu nhận thức được quy luật mâu thuẫn, quy luật biện chứng, quy luật vận động tuy còn thô sơ, cạn hẹp. + Vị nọ có bùi không có ngọt, Thức kia chầy thắm lại chầy phai (Thơ Nôm- Bài 42) + Làm người chớ thấy tài mà cậy, Có nhọn bao nhiêu lại có tù (Thơ Nôm- Bài 11) + Khôn ngoan mới biết thăng rồi giáng Dại dột nào hay tiểu có dài Đã khuất bao nhiêu rồi lại ruỗi Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai (Bài 23) + Quy luật tuần hoàn, biến đổi của sự vật: Thế gian biến cải vũng nên đồi Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi (Bài 77) Hoa càng khoe nở hoa nên rữa, Nước chứa cho đầy nước ắt vơi (Bài 52) →NBK quan niệm 1 cách phiến diện sự biến đổi của vạn vật là nằm trong vòng tuần hoàn, âm dương qua lại, kết thúc rồi lại bắt đầu, ra đi thì lại quay về, cứ như thế mãi. Tuy nhiên, trong chủ đề này, NBK đã phản ánh được niềm băn khoăn của cả 1 thời đại về thời vận đất nước, về hướng phát triển của thời cuộc, về lối thoát cho xã hội, cho con người đang bị kìm hãm trong cái vòng luẩn quẩn của chế độ phong kiến mục nát. - Triết lí xã hội tập trung thể hiện ở triết lí “nhàn”. Đây là 1 chủ đề lớn của thơ NBK, thể hiện khá đậm nét trong BVQNTT. Chữ nhàn nói riêng và quan niệm xuất xử nói chung trong thơ văn NBK khá phức tạp. NBK vừa có những ảnh hưởng của nhàn nhưng vẫn coi trọng con đường xuất xử hành tàng. NBK sinh ra trong thời loạn, lại là người có khí tiết, không dám xắn tay áo lên để phù nghiêng đỡ lệch, lại cũng không a dua chạy theo tập đoàn phong kiến mạnh để mưu cầu danh lợi, tất phải chọn con đường ẩn chí đợi thời. “Nhàn” không phải là cứu cánh mà chỉ là một phương thức tư duy, 1 triết lý, nhàn là khái niệm chứ không hoàn toàn là tâm trạng. Triết lí “nhàn” của NBK có những biểu hiện tích cực và tiêu cực. + Yếu tố tích cực của chữ nhàn trong thơ NBK biểu hiện ở chỗ: nhàn là sống theo tự nhiên, sống hòa hợp với tự nhiên, có sự kết hợp cho tâm hồn thanh thản, đặt thân mình ra ngoài vòng ganh đua. Được thua thấy đã ít nhiều phen, Để rẫy công danh đổi lấy nhàn (Bài 13) Dẫu nhẫn chê khen dầu miệng thế Cơ cầu tạo hóa mặc tự nhiên (Bài 45) Được thú thì hơn miễn phận nhàn (Bài 46) Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao Thu ăn măng trúc đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao (Bài 79- Nhàn) Nhàn là sống cho trong sạch, là sự phủ nhận danh lợi. Trong thơ NBK, chữ “nhàn” thường gắn với chữ thanh (thanh cao, thanh sạch): Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách Được thú ta đà có thú ta (Bài 31) NBK không đánh đổi tất cả để miến phận nhàn, nếu cần đánh đổi thì ông đánh đổi công danh để được nhàn: Để rẻ công danh miễn được nhàn (Bài 13) Chữ nhàn trong thơ NBK đối lập với tất cả những gì trái đạo đức, đối lập với danh lợi: Thấy dặm thanh vân bước ngại chen Được nhàn ta xá dưỡng thân nhàn (Bài 8) Bản chất của chữ nhàn ở NBK là nhàn thân mà không nhàn tâm. Nhàn mà vẫn lo âu việc nước, việc đời. Nhàn là tìm kiếm sự thanh thản chứ không phải sự lười nhác. “Nhàn, tiên, vô sự” xét đến cùng là giữ tròn thanh giá của mình trong thời loạn, là “lạc đạo vong bần” giữa những phần tử gian xảo đua chen danh lợi, không để dục vọng xấu xa làm mờ ám lương tâm, vẩn đục tâm hồn, không ham đua chen vào vòng danh lợi. Cho nên bởi thế mà dù là “nhàn” nhưng tấm lòng ưu quốc ái dân không bao giờ nguội lạnh. + Hạn chế của chữ nhàn trong thơ NBK là nhiều khi yếu tố nhàn rỗi, nhàn tản, yên phận khá đậm nét. NBK nói tới “rỗi nhàn”, “vô sự ngáy pho pho” như để đùa cợt cùng thói tục nhưng đồng thời lại để thi vị hóa cuộc đời ẩn dật. * Chủ đề giáo huấn: - Trước tình hình đất nước rối ren, là 1 trí thức có tâm huyết, NBK đề cao trách nhiệm của mình. Ông muốn hành động nhưng không gặp thời, không tiến lên lập công được, ông lui về để lập ngôn, dùng văn chương để truyền thụ đạo lý, để giáo huấn, cảnh tỉnh người đời. Thơ ông đạo lý là một trong những ND chủ yếu, kết hợp giữa quan điểm đạo lí Nho gia và truyền thống đạo lí của dân tộc, của nhân dân. NBK có tham vọng dùng thơ văn đạo lý để giáo dục, giác ngộ người đời; hi vọng rằng nếu đạo đức và nhân phẩm được giữ gìn, bồi dưỡng thì con người sẽ có lạc thú, hài hòa mà xã hội cũng sẽ đi đến chỗ tốt đẹp. - Đạo lý trong thơ NBK vẫn nằm trong khung của trung, hiếu, tiết, nghĩa, hòa, thuận… nhưng cũng có phần giản dị, lành mạnh, mang tính chất nhân ái rất gần với nhận thức của nhân dân về những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và xã hội. + Đề cao các nguyên tắc tam cương, ngũ thường; quan niệm trung, hiếu. + Khẳng định tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nhường nhịn: Người dữ thì ta miễn có lành Làm chi đo đắn nhọc đua tranh (Bài 29) + Đề cao phẩm chất đạo đức, tình nghĩa của con người: Tiền tài là số của lưu thông Cắp nắp làm chi cho nhọc lòng (Bài 74) Gần son thời đỏ, mực thời đen Sáng biết nhờ ơn thửa bóng đèn (Bài 70) * Chủ đề thế sự: phản ánh hiện thực đời sống và cảm hứng phê phán, tố cáo hiện thực xã hội. - Cảm hứng này bắt nguồn từ tư tưởng triết học của NBK và những điều tai nghe mắt thấy. NBK đề cập đến các mối quan hệ xã hội như sang- hèn, quý- tiện, các quan hệ thầy trò, bạn bè, làng xóm, sự tác động buổi đầu của yếu tố thị dân, những tác hại của chiến tranh… - Biểu hiện: + Phê phán những quan hệ coi trọng tiền tài, của cải hơn tình nghĩa: Giàu sang người trọng khó ai nhìn Mấy dạ yêu vì kẻ nhỡ nhàng Thuở khó dẫu chào, chào cũng lảng Khi giàu chẳng hỏi, hỏi thời quen. (Bài 5) Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười Có của thời hơn hết mọi lời (Bài 86) + Phê phán toàn bộ thói đời, những biểu hiện suy vi của đạo đức Nho gia, những biểu hiện trái ngược với đạo lí dân tộc: Người của lấy cân ta thử nhắc Mới hay rằng của nặng hơn người (Bài 80) b. Con người NBK qua BVQNTT: * Tấm lòng ưu ái: - Niềm ái ưu trong thơ ông chính là tấc lòng, là tâm huyết của ông đối với dân, với nước. NBK muốn “tiên ưu hậu lạc”. Ái ưu vằng vặc trăng in nước Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa (Bài 1) Đó là lòng yêu nước thương dân của 1 bậc hiền triết, nó sâu sắc và mang đậm suy tư, khác với lòng yêu nước, thương dân của con người hành động Nguyễn Trãi, lúc nào cũng nấu nung, sôi sục “cuồn cuộn” như nước triều đông. - Trong niềm ưu ái của mình, NBK đã dành những tình cảm trong sáng, cao đẹp hướng về dân chúng. NBK hiểu rằng “bền nước, yên dân là việc đầu mối”, nước trước hết là dân, muốn lo việc nước thì phải dựa vào dân, phải được lòng dân. Từ xưa đến nay nước lấy dân làm gốc, Được nước nên biết là ở chỗ được lòng dân (Cảm hứng) * Cuộc sống thuần hậu, chất phác, chân tình: - Gắn bó sâu sắc với nông thôn, chân tình, thuần hậu. (Nhàn) Non nước có mùi lòng khách chứa Trúc mai làm bạn hứng thơ nồng (Bài 33) Trăng trong gió mát là tương thức Nước biếc non xanh ấy cố tri (Bài 90) Giang sơn tám bức là tranh vẽ Hoa cỏ tư mùa, ấy gấm thêu (Bài 3) - Gắn bó với nông thôn trong đời sống tinh thần. Tình bạn cởi mở, chân thành, đằm thắm tình người: Gượng đến mừng nhau một mặt không Nhiều thì chẳng có, ít chẳng thông Hươu nai hãy đợi trên rừng bắc Thu vược còn chờ dưới bể Đông Nam Sách rượu nồng còn mượn cút Tây Chân quýt ngọt mới đâm bông Cực mong, rắp đợi, song còn muộn Vậy đến mừng nhau một mặt không (Bài 88) - Hình ảnh 1 người với tính tình hồn nhiên, hóm hỉnh, ưa trào lộng của ẩn sĩ: Vếu váo câu thơ cũ rích Khề khà chén rượu hăng xì (Bài 84) * Tâm hồn thi sĩ: - Yêu thiên nhiên, sống chan hòa với thiên nhiên, có tâm hồn thi sĩ: Trăng thanh gió mát là tương thức Nước biếc non xanh ấy cố tri (Bài 84) Khách đến hỏi nào song nhặt nữa Rằng còn một túi thơ treo (Bài 35) - Lòng yêu đời bắt nguồn từ 1 tâm hồn trong sạch, 1 khí tiết thanh cao và 1 cuộc sống tinh thần phong phú. 2.2. Nghệ thuật: - Kết hợp chất triết lí và chất trữ tình + Thơ NBK rất hàm súc, cô đọng, đưa ra những suy luận triết học, những nguyên lí tư tưởng. + NBK sử dụng lối diễn đạt bằng những hình tượng cụ thể, sinh động. Vừa có những hình tượng mang tính công thức, ước lệ trong văn học trung đại; vừa có những hình tượng quen thuộc trong đời sống để ví von, so sánh. - Kết hợp giữa uyên bác và bình dị. + Dùng thơ để nói về những vấn đề triết học. + Diễn đạt bằng 1 hình thức giản dị, dễ hiểu; vận dụng ngôn ngữ quần chúng, ngôn ngữ văn học dân gian. Thơ Nôm của NBK ít từ ngữ, điển cố Hán học. Anh anh, chú chú, mừng hơ hải Rượu rượu, chè chè thết tả tơi (Bài 80) Dẫu thấy hậu sinh thời dễ sợ Sừng kia chẳng mọc, mọc hơn tai (Bài 43) Miệng người tựa mật mùi càng ngọt Đạo thánh bằng tơ mối hãy dài (Bài 65) Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ Rút dây lại nể động rừng chăng (Bài 96) Ông khai thác những từ láy có giá trị biểu cảm cao, làm cho hình tượng thơ thêm nhịp nhàng, cân đối, uyển chuyển, gợi tả, sinh động: Giàu chĩnh chện, khó lay thay Vận chuyển lưu thông há của ai (Bài 2) Khát uống chè mai hơi ngọt ngọt Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu (Bài 3) Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao (Bài 89) -Thể thơ chủ yếu trong thơ Nôm của NBK là thể thơ thất ngôn xen lục ngôn (100/170 bài). →Thơ văn NBK kế thừa và phát huy những truyền thống của văn học từ đời trước để lại, đồng thời lại thể hiện sự chuyển biến của văn học trong một giai đoạn mới, khi mà việc bảo vệ và phát huy nền văn hóa dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến mục nát trở thành nhiệm vụ quan trọng của nhân dân và trí thức yêu nước. III. Củng cố: 1. Những yếu tố thời đại, gia đình, cuộc đời, con người Nguyễn Bỉnh Khiêm có ảnh hưởng tới sáng tác thơ văn của ông? 2. Những nội dung thế sự trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập? 3. Nội dung giáo huấn trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập? 4. Tấm lòng ưu ái của NBK qua Bạch Vân quốc ngữ thi tập? 5. Đặc điểm NT thơ NBK?
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức mới nhất

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1